Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

LÁ THƯ NEPAL 12: ĐƯỜNG LÊN KATHMANDU



Nepal trong lịch sử cổ và trung đại chỉ là Thung lũng Kathmandu. Vùng Terai dọc biên giới với India ngày nay là những tiểu quốc nhỏ, độc lập, tùy theo sự thịnh suy của các nước lớn mà nghiêng ngả theo chiều gió.
  Cái tên Nepalmandala chỉ địa danh Thung lũng Kathmandu đã nổi tiếng từ thời cổ đại và là từ nguyên cho tên Nepal sau này. Suốt dọc dài lịch sử hơn 2.000 năm cho đến nay, Nepalmandala tự hào là một vùng đất không hề bị chiếm đóng bởi bất kỳ nước ngoài nào (never-colonial-country) trong một khu vực mà chiến tranh là một phần của đời sống thường nhật. Kể cả hoàng đế Asoka của Maurya hùng mạnh, kể cả các hoàng đế Hindu của India suốt ngày đánh nhau giành lãnh thổ, kể cả Nguyên Mông chiếm đóng được Tibet, kể cả những đội quân Hồi giáo man rợ nhất đã càn quét toàn bộ lục địa India, kể cả thực dân Anh hùng mạnh bá chủ từ Afghanistan, Pakistan, India cho đến Myanmar… không một đế quốc nào áp đặt được ách thống trị lên Nepalmandala.
  Vì sao?
  Xin thưa ngay rằng nhờ vào trường thành tự nhiên lợi hại còn hơn Vạn Lý Trường Thành của Trung quốc: dãi Terai.
DÃI TERAI NGĂN CÁCH ĐỒNG BẰNG BẮC INDIA VÀ HIMALAYA
  Vùng đồng bằng phía Bắc India bị giới hạn bởi một dãi núi dốc đứng. Từ thời cổ đại, đã có những đoàn thương nhân lặn lội theo lối mòn tìm lên Nepalmandala để trao đổi buôn bán những sản vật nổi tiếng của vùng ấy như: vàng, bạc, đồng, len.. Vương quốc Sakya và Kolya của Đức Phật đã biết đến Nepalmandala và đã có trao đổi thương mại với họ. Đứng ở kinh thành Kapilavastu của họ Sakya, vào những ngày trời đẹp mùa thu, nhìn về hướng Bắc, người ta có thể thấy những dãy núi tuyết bồng bềnh lơ lửng trên không trung với rặng Terai như một cái bệ màu tím sẫm. Người họ Sakya và hoàng tử Siddhartha đã biết rằng; vượt qua dãi núi Terai hiểm trở thì người ta có thể chạm đến những dãy núi tuyết huyền thoại kia.
  Đối với Nepalmandala thời cổ đại, khi mà Tibet còn mông muội và chưa thành hình, chỉ có phía Nam mới có thể là cánh cửa mở ra thế giới cho họ (điều này vẫn đúng cho đến ngày nay).

  Vì thế, ít nhất ngay từ thời Đức Phật Sakya, người ở đồng bằng Bắc India và người của Nepalmandala đã có giao thương với nhau xuyên qua những con đường mòn để vượt qua rặng núi hiểm trở có độ cao 2.000- 3.000m. Chính nhờ thế, nên khi  Virudhaka dẫn quân Kosala tận diệt vương quốc Sakya của Đức Phật, những hoàng thân Sakya đã dùng con đường mòn này vượt thoát lên Nepalmandala và định cư cho đến ngày nay. Sau họ Sakya, đến lượt họ Kolya bên ngoại của Đức Phật cũng lâm họa diệt vong mất nước, và Kolya cũng tìm đến Nepalmandala mà trú ngụ. Truyền thuyết kể rằng chính Đức Phật Sakya đã từng đến thăm các “thân nhân-họ tộc” của Ngài trước khi Ngài đi đến Kusinaga để nhập Niết bàn. Còn tài liệu kinh sách của Nepalmandala thì có ghi rõ về vài lần thăm viếng để truyền dạy Phật pháp của Ngài Ananda cho họ tộc Sakya sau khi Đức Phật đã nhập Niết bàn.
  Khoảng năm 250 trước Công Nguyên, vị hoàng đế hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử India là Asoka cũng dùng con đường này để lặn lội lên đến Nepalmandala.
  Đến lượt vương quốc Lichchavi láng giềng ngày trước của Sakya và Kolya bị tận diệt, hoàng tộc Lichchavi cũng tìm đến tá túc Nepalmandala.
  Những đợt sóng tản cư này đã mang đến Nepalmandala tinh hoa của văn minh India, và trải qua hơn 2000 năm đã tạo thành một bản sắc văn hóa độc đáo của riêng Nepalmandala: văn hóa Newari.
  Thế nhưng, đường nào là đường lên Nepalmandala xuyên qua dãi Terai?
  (Còn tiếp...)